Header Ads Widget

Responsive Advertisement

LIỆU GAME THỦ CÓ THỂ KIẾM TIỀN?



Bài viết này được tham khảo trên mục game thủ trên Vnexpress, bài này tôi viết dành cho các bạn thực sự có niềm đam mê với game, nếu không từ bỏ được thì hi vọng các bài viết trên blog này có thể biến đam mê của các game thủ chuyển thành thu nhập.
Khi tưởng chừng như mọi cánh cửa đã đóng lại với bạn, sẽ có những cánh cửa khác mở ra, chỉ cần bạn chịu khó tìm và gõ mà thôi”.
Đầu tiên chúng ta phải xét đến định nghĩa như thế nào thì gọi là một game thủ? Liệu có phải chỉ cần một người chơi một trò chơi điện tử thì đã có thể được gắn cái mác game thủ? Hay họ phải thỏa mãn được một số điều kiện nào đấy để được gọi là game thủ?
Dẫu biết rằng đây là một vấn đề hơi mang tính chất mơ hồ, theo quan điểm của tôi, thì game thủ là một người chơi trò chơi điện tử, và tình yêu của họ đối với bộ môn này vượt xa các bộ môn khác (bóng đá, bóng bàn, bóng rổ, bơi lội, cờ tướng…)
Tiếp theo là một khía cạnh không kém phần quan trọng: Lứa tuổi. Đại đa số game thủ chưa cần kiếm tiền vì họ thuộc nhóm tuổi còn đang đi học và được gia đình chu cấp 100%, tức nhóm dao động từ 11 đến 16 tuổi. Đây là một thời kì tươi đẹp khi họ chỉ cần tập trung ăn, học có kết quả tốt, và có dư thời gian dành cho bộ môn mình yêu thích. Thế nhưng khi quãng thời gian vô tư lự ấy kết thúc, họ sẽ phải đối mặt với điều gì?
Đó là việc phải lựa chọn và đưa ra quyết định. Một lựa chọn khá khó khăn mà bất kì ai cũng phải trải qua trong cuộc đời, đó là việc theo đuổi niềm đam mê của bản thân, hay đi theo một con đường an toàn đã định sẵn.
Đối với những bạn chọn theo con đường an toàn, không cần phải bàn đến nữa vì họ nằm ngoài phạm vi đề cập của chúng ta.
Đối với những bạn quyết định theo cả hai, trừ khi họ là thiên tài, còn lại thì rất khó để vẹn cả đôi đường. Tuy nhiên cuộc sống vẫn tràn đầy những bất ngờ, và tôi thì không phải là một nhà bói toán. Thế cho nên sẽ chỉ có vận mệnh mới có câu trả lời.
Kiếm tiền để nuôi đam mê


Đối với nhóm còn lại, chủ đề chính mà tôi muốn đề cập tới trong câu chuyện của ngày hôm nay, là những người quyết theo đuổi đam mê của bản thân. Và họ, sẽ cần không ngừng tập luyện nâng cao trình độ của bản thân cho đến một lúc nào đấy, tùy vào mức nỗ lực mà tên của họ sẽ hiện ra ở danh sách những người đứng đầu của một máy chủ. Khi đó cơ hội sẽ rộng mở đối với họ, và cách họ tận dụng cơ hội đó sẽ dẫn họ đến các kết quả khác nhau. Ở đây, tôi sẽ không bàn đến tính đúng hay sai của vấn đề, mà chỉ đơn giản là liệt kê ra những trường hợp khả dĩ có thể xảy ra nhất.
Đầu tiên, đơn giản và dễ dàng kiếm tiền nhất, đó là sử dụng khả năng của bản thân để cày thuê. Một lựa chọn thông minh và bền vững hơn, tuy nhiên về lâu dài sẽ có tiềm năng hơn, là kiếm một kênh stream và thể hiện bản thân trên sóng. Còn nếu bạn có những ước vọng và đam mê, hãy tự lập một đội của riêng mình và thi đấu từ giải nhỏ đến lớn. Còn cuối cùng, ở vị thế cao nhất, hãy nhận lời mời tham gia một đội ở đẳng cấp cao sẵn, và trở thành một tuyển thủ.
Và với mỗi lựa chọn trên, dưới đây sẽ là những viễn cảnh liên quan trực tiếp đến các lựa chọn mà bạn vừa quyết định ở trên.
Cày thuê và trở thành nổi tiếng, bạn có thể tiếp bước trở thành Dopa (Apdo) của Hàn, một cá nhân cày thuê kiệt xuất, hoặc một kẻ cày thuê tầm thường vô định. Nói vui một chút thì đây có thể ví như tà phái trong kiếm hiệp, kiếm tiền nhanh giống nội lực tăng tiến nhanh, bù lại thì cái gì nhanh quá cũng khó bền và thường bị võ lâm lên án.
Còn nếu đi theo con đường là một streamer, nếu biết cách xây dựng hình ảnh, kênh của bạn sẽ dần dần đông người xem. Từ đó dẫn tới các khoản thu nhập mới như được cộng đồng quyên tặng tiền, hoặc đặt quảng cáo cho nhà tài trợ. Nhưng cần lưu ý rằng nếu có kênh stream này đồng nghĩa với việc là sẽ có kênh stream khác phải vắng. Sự cạnh tranh chắc chắn luôn tồn tại và nó sẽ ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn.
Còn đi theo con đường chung của việc trở thành tuyển thủ chuyên nghiệp, bạn sẽ có lương cứng nếu tìm được nhà tài trợ, tiền thưởng đến từ giải đấu nếu đánh đủ hay, còn đánh không đủ hay thì càng phải nỗ lực hơn nữa đó là quy luật chung của việc thi đấu: có thắng ắt có thua. Và sau khi quãng đời thi đấu chuyên nghiệp kết thúc, tùy vào cá tính và các tài năng mà bạn lại tiếp tục có những hướng đi mới tiếp theo để tiến bước.
G-man, Bình luận viên game đế chế nổi tiếng

Hãy trở thành bình luận viên nếu game thủ có một chất giọng đủ tốt và bạn hoàn toàn tự tin vào vốn kiến thức sẵn có của mình. Joshua "Jatt" Leesman, cựu tuyển thủ của đội Dignitas, bình luận viên hiện tại của Riot Games là một ví dụ điển hình của trường hợp này.
Còn không, hãy học tập và trở thành một huấn luyện viên chuyên nghiệp. Tất nhiên, điều này đòi hỏi bạn phải sở hữu đủ tầm nhìn chiến lược, có khả năng truyền đạt nó cho người khác. Việt Nam đang thực sự thiếu những con người như vậy và bạn sẽ được săn đón ở mọi lúc, mọi nơi. Dương Nguyễn Duy Thanh “Tinkun”, cựu tuyển thủ đội Imba Boba Dota, hiện là huấn luyện viên của Asus Fate là một minh chứng sống về một huấn luyện viên đầy trách nhiệm, nhiệt tình, yêu nghề của Việt Nam hiện nay.
Nhẹ nhàng hơn một chút, bạn vẫn có thể là quản lý một đội game. Nếu từng là một đội trưởng có đầy đủ tiếng nói để cả đội cảm phục, rất có thể bạn sở hữu tiềm năng để trở thành một quản lý đội tài ba.

Chưa hết, đã bao giờ bạn nghe tới nghề chỉnh máy quay chuyên nghiệp. Tưởng chừng như rất đơn giản nhưng công việc của họ chẳng hề giản đơn, bởi đây chính là chỗ dựa vô cùng vững chắc giúp các bình luận viên có thể tập trung chuyên môn và chú ý đọc những gì đang diễn ra trên màn hình. Bạn sẽ là người quyết định sẽ ưu tiên điều gì  và tình huống nào chưa xứng đáng để xuất hiện trên màn hình cho các bình luận viên "chém gió". Hãy tưởng tượng một tuyệt chiêu Cung Ánh Sáng của Ezreal được bắn ra từ căn cứ và hạ gục tướng địch đang chạy trốn với chỉ còn 100 máu, sẽ thật tuyệt vời khi được thấy từ khoảnh khắc Ezreal giương cung bắn ra đến khi nó kết liễu đối phương thay vì chỉ thấy được mỗi lúc Cung Ánh Sáng bay lướt qua kẻ địch phải không nào? Có thể ví họ như những người hùng thầm lặng trong các buổi lên sóng tường thuật giải.
Trong suốt quá trình làm tuyển thủ, nếu một người có tầm nhìn, họ có thể tích lũy tiền thưởng đánh giải và tranh thủ thời gian học thêm về những điều họ thích như kinh doanh chẳng hạn, về sau họ sẽ có đủ số vốn để trở thành một nhà đầu tư. Hoặc nếu họ tạo nên các mối quan hệ tốt trong các công ty thường xuyên phải tiếp xúc, rất có thể họ sẽ trở thành một nhân viên của công ty đấy về sau này.
Sự lựa chọn gần như là vô hạn, và tất cả những gì một game thủ cần làm là nỗ lực không ngừng, học hỏi không ngừng cộng với một chút may mắn, điều này không bao giờ là thừa cả.
Đừng từ bỏ đam mê vì khó khăn

Trở lại với thực tế thì game thủ eSports ở Việt Nam hiện nay dường như đang loay hoay giữa câu chuyện theo nghiệp game vì đam mê hay để kiếm tiền, đổi đời. Họ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan như gia đình, xã hội... từ đó có những câu chuyện như cày thuê, bán độ, đánh giải hay gạ kèo bên ngoài.

Thực ra đây không phải là vấn đề của riêng game thủ Việt. Trong quá trình làm việc, tôi đã được tiếp xúc với khá nhiều người Hàn Quốc, nơi được coi là kinh đô của thể thao điện tử, thì việc trở thành một tuyển thủ thể thao điện tử chuyên nghiệp cũng chưa hẳn là một điều được đa số các vị phụ huynh dễ dàng chấp nhận. 
Ở Mỹ, thậm chí nhiều nơi còn có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với nhóm game thủ, khi theo đánh giá chung của xã hội là những người này cả ngày chỉ biết vùi đầu vào máy tính, ăn thức ăn nhanh, và béo phì. Điều đó cho thấy khó khăn là gần như giống nhau, ở mọi nơi. Chỉ có mức độ hào nhoáng từ truyền thông đưa ra khiến đa số mọi người có cảm giác rằng ở những quốc gia khác thì cuộc sống của một game thủ là dễ dàng hơn Việt Nam mà thôi.
Còn các vấn nạn như cày thuê, bán độ… thì điều này cũng hệt như trong những bộ môn khác nói riêng và tệ nạn khác của xã hội nói chung. Chừng nào còn có cung, thì sẽ có cầu. Thi hộ vẫn đang diễn ra ngoài kia, bán độ cũng chưa bao giờ là một đề tài không được khai thác ở bóng đá… Nếu có khác thì chỉ khác ở chỗ hiện tại xuất phát điểm của thể thao điện tử đang vấp phải việc tích lũy quá nhiều cái nhìn thiếu thiện cảm của xã hội, khiến việc phát triển của nó nói chung và từng tuyển thủ nói riêng không hề dễ dàng.

Mà cuộc sống thì có bao giờ là dễ dàng đâu? Trở ngại, khó khăn vẫn đầy rẫy ra đấy thôi. Một đứa trẻ ở khu ổ chuột ở Brazil phải vượt qua bao nhiêu trắc trở, bao nhiêu là gian khổ, mới có thể trở thành một cầu thủ vang danh bốn bể? Một cậu bé đam mê cờ vua phải vượt qua bao nhiêu sự ngăn cản của gia đình mới có thể trở thành một kì thủ lừng danh? Một cô gái muốn phá kén tằm hóa thành một con bướm lộng lẫy trong giới showbiz phải chịu biết bao nhiêu đắng cay, tủi hổ, và cám dỗ để có thể tỏa sáng trên sân khấu? Chẳng phải tất cả đều có các điểm chung sao? Lí do khó khăn gian khổ thì ai cũng có cả, tất cả có thể viện cớ này cớ nọ cả ngày mà kể mãi cũng chẳng hết. Nhưng sẽ chỉ những ai nỗ lực không ngừng, không chịu đầu hàng trước số phận, mới có thể giương cao chiếc cúp vinh quang trong mai sau mà thôi.

Chúc các Freerunricher thành công trên mọi nẻo đường!


Đăng nhận xét

0 Nhận xét